Nhọc nhằn đời tài xế xe ba gác mưu sinh ở Sài Gòn
2h sáng, dưới ánh đèn đường vàng vọt, chúng tôi rảo khắp các cung đường của chốn phồn hoa đô hội để ghi nhận những biến tướng của tệ nạn mại dâm đường phố. Xuyên suốt lộ trình, chúng tôi rất ấn tượng với những kiểu ngủ lạ đời của các bác tài xe ôm, xe ba gác, xe xích-lô giữa màn sương lạnh giá. Trong từng giấc ngủ nơi hè phố ấy, chúng tôi ghi nhận nhiều trăn trở, nỗi niềm và những đắng cay của người trong cuộc.
Điểm dừng đầu tiên của chúngtôi là khu vực dưới chân cầu Ông Lãnh (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1). Lúc này kim đồng hồ điểm 2h20" sáng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nhiều bác tài xích lô sau ngày dài mệt nhoài với những vòng quay đang ngủ trên chiếc xe vốn là phương tiện kiếm sống của họ. Mắt nhắm nghiền, người nằm dài, người nằm cuộn tròn thu lu trong lồng xe, người ngủ ngồi kiểu bó gối… tuy tư thếcó khác nhau nhưng cả thảy họ đều có điểm chung là ngủ cực ngủ khổ, ngủ giữa sự tấn công của lũ muỗi đói và cái lạnh của sương đêm. Cũng tại khu vực quanh chân cầu, chúng tôi còn bắt gặp một số bác tài xe ba gác máy, có cảnhững bác tài chạy xe bằng "động cơ" hai chân cũng đang nằm thu lu ngủ lấy sức để sáng mai ra lại lao vào dòng đời hối hả.
Cận cảnh giấc ngủ nhọc nhằn, chập chờn của các "bác tài bụi". |
Đêm mỗi lúc một sâu, trên từng ngả đường, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh các "bác tài bụi"ngủ vạ vật, khổ sở trên các "chiến mã". Tại ngã tư Điện Biên Phủ - NguyễnThông (quận 3), nghe tiếng xe máy của chúng tôi tiến lại gần, bác tài xe ba gác đang ngon giấc bỗng giật mình, nhanh chóng ngồi dậy hướng ánh mắt thăm dò,nghi ngại về phía các vị khách lạ.
Khi biết ý định của chúng tôi, anh cho biết mình tên Hùng, quê ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, lên thành phố lập nghiệp đã được 3 năm, và thổ lộ những nỗi niềm khôn tả: "Chạy xe ba gác bây giờ vất vả lắm vì phải cạnh tranh với các dịch vụ chuyển đồ khác. Mặt khác, do có quá nhiều người vào nghề nên để có được một cuốc xe phải bầm trầy lắm,phải chạy ngày chạy đêm. Để sống được, tôi phải bám lề đường 24/24h, lấyđường phố làm nơi ăn chốn ở".
Anh Hùng bật mí: "Để có đượctư thế ngủ trên xe, tôi đã phải té mấy lần dập đầu mẻ trán. Nhưng đó khôngnhằm nhò gì với chuyện bị bọn nghiện, phường côn đồ say thuốc trấn lột, hànhhung. Mới trước Tết, lúc đó khoảng 3h sáng, tôi đang ngon giấc thì có mộtthằng đi bộ tới bất ngờ gí dao lệnh phải cho nó vài trăm xài, nếu không nósẽ xin tí huyết. May mà lúc ấy có mấy anh dân phòng đi tuần tra tiến tới nênnó bỏ chạy".
Để tránh nạn trấn lột, xin đểu,các bác tài xe ôm over-night thường tụ thành nhóm ít nhất 2 người để dễ bề ứng cứu nếu lỡ lâm nạn. Trên đường Võ Thị Sáu, đoạn gần đường Hai Bà Trưng (quận 1),bác tài xe ôm luống tuổi tên Nguyễn Văn Hùng, trĩu giọng khi nói về những mối nguy tai bay vạ gió: "Không ít lần tôi và mấy anh em đang ngủ thì bị bọn yêng hùng choai choai lướt tới rồi cả bầy đồng loạt nhấn còi hơi inh ỏi khiến ai nấy đều giật mình rớt xuống xe. Cũng có khi anh em tôi bị tụi nó chạy ngang ném đá,ném bọc nước mía, thức ăn dư thừa rồi cười hô hố".
Trời bắt đầu sáng, những bác tài xe ôm, xe xích-lô, ba-gác lần lượt thức dậy lao vào cuộc mưu sinh. Thấy cảnh họ ngủ và có lắng nghe họ trải lòng, chợt thấy xót, thấy thương. Thì ra ẩn sau những vòng quay trong từng cuốc xe của những bác tài mà chúng tôi gặp, sự nhọc nhằn đâu chỉ dừng lại ở việc ngày lại ngày họ phải tắm nắng, gội gió, hít bụi,phải muối mặt giữa cái nóng kinh người
Bài viết là thông điệp sẻ chia những nhọc nhằn, hiểm nguy với những "bác tài bụi" - những người đàn ông tảo tần vì hoàn cảnh khó khăn, vì số phận xô đẩy phải gắn đời theo từng vòng quay của"con chiến mã" vừa là phương tiện sinh nhai, vừa là giường chiếu để họ nghỉ ngơi sau ngày dài bươn chải.
Theo Thành Dũng