Nghề xe ba gác bốc xếp đêm ở chợ đầu mối chợ đêm Tuy Hòa

04/04/2019

Chợ đêm Tuy Hòa là đầu mối cung cấp hoa quả, rau củ, thịt cá cho các chợ nhỏ trên toàn tỉnh. 22 giờ, chợ bắt đầu nhộn nhịp khi những xe chở hoa quả, xe ba gác chở hàng, hàng la gim từ các nơi đổ về. Những người làm nghề bốc xếp hàng hóa lại bắt đầu một đêm vất vả mưu sinh.

 xe ba gác chở hàng chợ đêm

Mồ hôi của những người đêm không ngủ

 

Chợ đêm Tuy Hòa là đầu mối chuyên bán buôn các loại nông sản được chở về từ khắp các vùng miền trong tỉnh và cả các tỉnh, thành trong khu vực. Ở đây đêm xuống, người mua người bán lúc nào cũng tấp nập. Trong cái guồng quay gấp gáp giữa đêm khuya khoắt ấy, những người làm nghề bốc xếp là bận rộn nhất. Mỗi khi xe hàng về, họ lại ùa ra, bốc dỡ hàng xuống xe ba gác và vận chuyển hàng trăm lượt xe để giao hàng hóa cho các tiểu thương kịp giờ buổi chợ sáng.

 

Tôi gặp anh Đoàn Hoàng Ân, ông chủ của chiếc xe tải 17 tấn chuyên chở hàng từ Đà Lạt về và cung cấp cho rất nhiều khách hàng trong tỉnh. Nghe những người trong chợ đêm nói, anh Ân là một “đại gia” chính hiệu, kinh doanh giỏi ở rất nhiều ngành nghề nhưng vẫn chịu khó duy trì công việc buôn bán vất vả của gia đình. Hỗ trợ công việc cho anh Ân có 3 người làm nghề bốc xếp, mỗi đêm vận chuyển mười mấy tấn hàng hóa.

 

Anh Ân cho biết, khi xe tải chở hàng về tới chợ đầu mối, những người bốc xếp chuyển hàng từ trên xe xuống, chia nhỏ lên những chiếc xe ba gác vận chuyển đến các địa chỉ quen. Công việc của những người bốc xếp bắt đầu từ lúc 10 giờ đêm và kết thúc khi hàng trên xe bán hết. Tại xe rau củ của anh Ân, chỉ có 3 người bốc xếp nhưng có đến một hàng dài xe ba gác trực sẵn. Anh Ân đọc toa hàng đến đâu là những người bốc xếp nhanh tay xách từng bịch lớn nào bầu, bí, khoai lang, mướp, nha đam, khoai tây… gom vào một chỗ, cho lên ba gác. Khi xe đầy hàng hóa, những tấm lưng gồng cong, kéo chiếc ba gác đến nơi khách đợi. Cứ thế, các chuyến xe đầy ắp lần lượt rời đi, những xe trống quay về, hàng hóa trên xe tải vơi dần, lưng áo của những người bốc xếp đêm lại trĩu mồ hôi.

 

Ông Thái Vĩnh Khanh (phường 5, TP Tuy Hòa) có hơn 20 năm làm nghề bốc xếp tại bến xe TP Tuy Hòa, ở cái tuổi ngoài 50, ông vẫn làm việc rất nhanh nhẹn, hàng đi, hàng đến, giá cả bao nhiêu ông đều nắm rõ. Ông Khanh cho biết, công việc của người bốc xếp đêm nặng nhọc và vất vả.

 

“Những người như chúng tôi phải làm việc luôn tay luôn chân từ tối đến sáng hôm sau, mỗi đêm chỉ ngủ lơ mơ được 2-3 tiếng đồng hồ chứ không có lấy một giấc ngủ đúng nghĩa. Cứ bốc xếp 1 tấn hàng, tôi được trả 70.000 đồng, mỗi đêm bốc 5 tấn cũng kiếm được ngày công, nhưng cũng có hôm ít hàng, tiền công đủ đắp đổi cho cuộc sống. Làm nghề này, chúng tôi không được phép bệnh. Vì mỗi xe tải có lực lượng bốc xếp riêng, khi bệnh nghỉ thì chủ xe phải thuê người mới, bệnh dậy coi như mất việc”, ông Khanh cho biết.

 

Ông Lê Khắc Sinh, Trưởng Ban quản lý chợ Tuy Hòa, cho biết: Chợ Tuy Hòa là nơi mua bán hàng hóa sỉ của rất nhiều địa phương trong tỉnh. Mỗi đêm, lực lượng trật tự, bảo vệ chợ tổ chức trực xuyên suốt để giám sát hoạt động chợ đêm, hướng dẫn người dân sắp xếp hàng hóa đúng vị trí và xử lý nhanh những tình huống mất trật tự tại chợ. Nhờ vậy, thời gian qua, hoạt động của chợ đầu mối đã đi vào nề nếp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Phận phụ nữ làm bốc xếp đêm

 

Tại chợ đêm Tuy Hòa, không chỉ đàn ông, trai tráng mới đảm đương công việc bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, mà ở đây còn có cả những phụ nữ cũng làm công việc nặng nhọc này để lo toan cho gia đình.

 

Chị Trần Thị Lập ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) làm bốc xếp trên xe bà Tuyết; anh Phương, chồng chị Lập cũng làm việc cho một xe khác ở chợ đêm. Đưa tay quệt mồ hôi ở tóc mai, chị Lập cho biết ở quê không biết làm gì, mà con cái ngày càng lớn nên chị xuống đây làm cũng đã hơn 5 năm. Vừa nói, chị Lập vừa đẩy xe rau đi giao cho khách.

 

Suốt cả buổi tối, tôi nhiều lần muốn hỏi thăm nhưng chị Lập lúc nào cũng tất bật. Phải đến 3 giờ sáng, người đã vãn, hàng hóa đã thưa, giữa trời sương sớm, chị Lập ngồi nghỉ mệt, từ tốn cho biết, hai vợ chồng từ xã Hòa Thắng xuống, ban đầu chồng chị đi làm trước, sau dắt theo chị. Những ngày đầu, chị lúc nào cũng thấy liêu xiêu, lả người đi không nổi. Sau quen, đỡ mệt dần. Nếu hai vợ chồng làm việc chăm chỉ mỗi tháng kiếm được mười mấy triệu đồng lo cho con. Hiện, con gái lớn chị Lập đang học Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, con gái nhỏ học đại học Phú Yên và đứa út học lớp 10. Ngoài chị Lập, ở chợ đêm này có khá nhiều phụ nữ cũng chọn làm công việc vất vả để có tiền cho con ăn học.

 

Ông Phạm Quân, một chủ xe tải chuyên chở hàng từ Gia Lai về cho biết: “Ở bến xe này có khoảng 1/3 lao động (tầm 20 người) là nữ làm việc, và nhiều người trong số họ có con cái học hành tử tế. Công việc này vất vả, lại thu nhập thấp (phụ nữ chỉ được trả công 170.000 đồng/đêm) nên chúng tôi không ép họ làm quá sức mà tạo điều kiện hơn, ngày khỏe làm nhiều, ngày mệt thì chia nhỏ hàng hóa ra cho nhẹ”.

 

Đã gần 4 giờ sáng, xe tải từ các tỉnh về chợ đầu mối thưa dần, thay vào đó là những chiếc xe loại nhỏ hơn, hoặc xe ba gác, xe gắn máy tấp nập vào chợ để chở hàng bán chợ sáng. Lúc này, những cơn buồn ngủ ùa đến, những phu khuân vác cần mẫn cố gắng làm nốt công việc của mình, nhận tiền công và mong trời mau sáng để có thể ngả lưng sau một đêm mệt nhoài.

 

THÁI HÀ (Báo Phú Yên)